Hưởng phúc Bạc_phu_nhân

Năm Hán Cao hậu thứ 8 (180 TCN), Lã thái hậu băng hà. Sau khi Thái hậu qua đời, Đại Hán đi vào một sự hỗn loạn gọi là Loạn chư Lã. Loạn chư Lã kết thúc, các đại thần quyết chí không lập những người có liên hệ với họ Lã, cũng như không thể chọn người có mẹ gia thế mạnh. Trong số những người con còn sống của Hán Cao Tổ thì Lưu Hằng lớn tuổi nhất nên các đại thần tìm cách đến nước Đại để mời Lưu Hằng về Trường An. Sau khi bẩm báo Bạc Thái hậu, Lưu Hằng nhận lời trở về cùng mẹ.

Năm đó, Lưu Hằng lên ngôi hoàng đế, tức Hán Văn Đế, Bạc cơ được tôn làm Hoàng thái hậu, em trai của Thái hậu là Bạc Chiêu được phong làm Chỉ hầu (軹侯)[10], truy tôn phụ thân của Thái hậu làm Linh Văn hầu (靈文侯), mẹ Ngụy Ổn làm Linh Văn phu nhân (靈文夫人). Để củng cố gia cảnh nhà họ Bạc, Bạc Thái hậu tìm cách gả nữ nhân trong gia tộc cho cháu nội bà, con trai Hán Văn Đế là Thái tử Lưu Khải. Do đó, cháu gái Bạc thái hậu là Bạc thị được phong Thái tử phi[11].

Đương thời Văn Đế, công thần là Chu Bột do có công tôn Hoàng đế lên Đế vị, phong làm Giáng hầu. Tuy nhiên về sau, Chu Bột bị khép tội mưu phản, mà Bạc Thái hậu lại cho rằng ông ta oan uổng. Một hôm, Văn Đế lâm triều, Bạc Thái hậu lấy khăn trùm hướng phía Văn Đế mà ném, nói:"Giáng hầu có công với Hoàng đế, suất lĩnh Bắc quân hơn cả vạn người, giúp Hoàng đế lên ngôi. Khi thế khi đó một lòng vì Hoàng đế, không hề mưu phản, thế mà bây giờ một chuyện nhỏ thì lại khép tội ông ta mưu phản sao?!". Hán Văn Đế hướng đến Thái hậu quỳ nói:"Quan coi ngục đã điều tra xong, lập tức thả ông ta ra ngục". Sau đó, Giáng hầu phục lại chức vị cũng như phong ấp[12].

Năm Hán Văn Đế hậu nguyên thứ 7 (157 TCN), Thái tử Lưu Khải lên ngôi, sử gọi Hán Cảnh Đế, tôn tổ mẫu Bạc thị làm Thái hoàng thái hậu[13], bà là vị Thái hoàng thái hậu đầu tiên của lịch sử nhà Hán lẫn Trung Quốc.